Phần Lan mở rộng cơ hội cho sinh viên quốc tế

Xử lý thị thực nhanh chóng, tỷ lệ chấp thuận cao và luôn được xếp hạng tốt về các chỉ số chất lượng cuộc sống là những lý do khiến sinh viên quốc tế bị thu hút khi đi du học Phần Lan.

Phần Lan đã mở rộng cơ hội làm việc cho sinh viên quốc tế và giúp sinh viên tốt nghiệp dễ dàng ở lại đất nước để theo đuổi sự nghiệp và nhập cư.

Những cải cách mới về giáo dục của chính phủ là một lợi thế cạnh tranh mới cho các nhà giáo dục Phần Lan khi tuyển sinh ở thị trường ngoài EU.

Nguồn: Travel Triangle

Nguồn: Travel Triangle

Dễ dàng đăng ký làm thường trú nhân

Sinh viên quốc tế và gia đình của họ giờ đây sẽ nhận được giấy phép thường trú “liên tục” có giá trị trong suốt thời gian của chương trình học thay vì giấy phép “tạm thời” chỉ được cấp trong hai năm. Điều này có nghĩa là sinh viên sẽ không cần phải nộp đơn xin gia hạn trong quá trình học và giúp họ dễ dàng xin được giấy phép cư trú lâu dài hơn sau khi tốt nghiệp.

Để có được giấy phép cư trú, sinh viên quốc tế phải chứng minh rằng họ có đủ nguồn tài chính để chi trả cho năm học đầu tiên tương đương 560 EUR (hơn 14 triệu đồng) mỗi tháng hoặc 6,720 EUR (hơn 170 triệu đồng) mỗi năm.

Tầm quan trọng của mối quan hệ gia đình

Quyết định mới liên quan đến gia đình của học sinh cũng quan trọng bởi sinh viên có nhiều khả năng lựa chọn nhập cư hơn nếu họ có gia đình ở Phần Lan.

Cụ thể, theo một nghiên cứu được kéo dài nhiều năm của các nhà nghiên cứu Charles F Mathies và Hannu Karhunen cho thấy trong số hơn 13.000 sinh viên quốc tế tốt nghiệp các trường đại học ở Phần Lan, những sinh viên có quan hệ gia đình ở đây sẽ có nhiều khả năng lựa chọn định cư.

Nhiều giờ làm việc hơn trong quá trình học

Chính phủ Phần Lan quyết định nâng số giờ được phép làm thêm của sinh viên quốc tế lên 30 giờ/tuần (thêm 5 giờ) và kéo dài thời hạn của “giấy phép tìm việc” cho sinh viên đã tốt nghiệp và nhà nghiên cứu quốc tế từ 1 năm lên 2 năm.

Sinh viên có thể nộp đơn xin giấy phép trong vòng 5 năm sau khi tốt nghiệp và thậm chí có thể nộp đơn từ bên ngoài Phần Lan. Đây là một chi tiết quan trọng đối với những sinh viên đã tốt nghiệp và rời khỏi nước này trong vài năm qua sau khi hết thời gian tìm việc.

Đơn đăng ký tăng bất chấp các đề xuất về học phí

Có một số suy đoán rằng số lượng sinh viên quốc tế sẽ giảm ở Phần Lan sau khi chính phủ nước này đưa ra mức học phí bắt buộc đối với sinh viên ngoài EU đăng ký các chương trình cử nhân và thạc sĩ dạy bằng tiếng Anh vào năm 2017.

Tuy nhiên, số lượng đăng ký chỉ giảm nhẹ trong những năm sau đó.

Theo Sở Di trú Phần Lan, đơn đăng ký của sinh viên ngoài EU vào các trường đại học Phần Lan đã tăng 141% trong năm 2021, từ 1.756 lên 4.233, và đại đa số (93%) đã được chấp thuận.

Phần lớn các ứng viên đến từ Nga và Trung Quốc, nhưng các trường đại học cũng báo cáo một lượng tuyển sinh đáng kể từ Nigeria, Bangladesh, Pakistan và Ấn Độ.

Trong những năm gần đây, Phần Lan đã và đang xây dựng một cộng đồng sinh viên quốc tế đa dạng hơn. Năm 2019, quốc gia Bắc Âu này có 31.913 sinh viên đến từ các quốc gia EU và ngoài EU.

Dữ liệu từ IIE, hợp tác với Cơ quan Giáo dục Quốc gia Phần Lan, cho biết Đức (2.579 sinh viên), Nga (2.494), Việt Nam (2.428), Trung Quốc (2.193), Tây Ban Nha, (1.249), Nepal (1.052), Ấn Độ (830), Hà Lan (796), Bangladesh (773) và Estonia (736) là những thị trường gửi sinh viên đi học tập hàng đầu cho các tổ chức giáo dục đại học của Phần Lan vào năm 2019.

Tỷ lệ xử lý và phê duyệt thị thực là lợi thế cạnh tranh

Phần Lan đang xử lý đơn đăng ký của sinh viên quốc tế nhanh hơn nhiều quốc gia khác.

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng các sinh viên coi sự chậm trễ và khó khăn trong quá trình xử lý thị thực là rào cản lớn đối với việc đi du học.

93% đơn xin giấy phép cư trú đầu tiên của sinh viên ngoài EU để học tập tại Phần Lan đã được chấp thuận vào năm 2021. Đây là tỷ lệ chấp thuận rất cao so với Canada và cũng cao hơn tỷ lệ ở Mỹ (85%).

Sinh viên châu Á đến Phần Lan nhiều hơn các điểm đến Bắc Âu khác

Phần Lan đang thu hút sinh viên đến từ châu Á nhiều hơn so với các điểm đến châu Âu khác. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khẳng định: “Trong số sinh viên quốc tế ở Phần Lan, 39% là đến từ châu Á, nhiều hơn ở các nước Bắc Âu khác như Đan Mạch (10%), Iceland (16%), Na Uy (31%) và Thụy Điển (29%)”.

(Minh Hiếu nguồn: https://monitor.icef.com)

Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 27
  • Trong tuần: 1410
  • Tất cả: 162657